Nội dung Kinh_Thi

Kinh Thi được ví như một bức tranh miêu tả toàn cảnh về xã hội đương thời, từ lịch sử, phong tục tập quán, giáo dục, sinh hoạt xã hội... cho đến sông núi, cây cỏ, chim thú...phong phú muôn hình muôn vẻ[38]. Khổng Tử từng nói "Thi, có thể giúp hưng phấn, có thể giúp xem xét, có thể giúp hợp quần, có thể giúp biết oán giận. Gần có thể thờ cha, xa thờ vua, giúp biết được nhiều tên của chim muông, cây cỏ[39]". Dưới đây chỉ là một số nội dung chính của bức tranh rộng lớn Kinh Thi.

Phản ánh lịch sử nhà Chu

Các bài thơ trong Kinh Thi ra đời vào khoảng đầu đời Tây Chu đến cuối thời Xuân Thu, trong bối cảnh nhà Chu chuyển biến từ thịnh sang suy. Do vậy, dù ít dù nhiều, chúng đều chịu ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử đó và có nội dung phản ánh bộ mặt lịch sử từng thời kì[40].

Tổ tiên nhà Chu khởi nghiệp từ đất Thai, trong lưu vực sông Vị (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), tương truyền có tên là Hậu Tắc hay còn gọi là Khí. Cuộc đời của Hậu Tắc được ghi lại trong bài Sinh dân (Đại Nhã), kể rằng mẹ ông là nàng Khương Nguyên dẫm phải dấu chân thần mà có thai, sinh ra Hậu Tắc; nàng không dám nuôi, đem vứt đi, nhưng vứt đi đâu Hậu Tắc cũng được cứu sống không chết, khi thì được bò dê cho bú, chim muông che chở, khi thì được người tiều phu cứu về, Khương Nguyên đành phải giữ lại nuôi. Khi lớn lên, Hậu Tắc tức thì biết cách trồng lúa làm ruộng, lúa lên vàng ươm, đẹp đẽ, tươi tốt. Bài Sinh dân dài đến 72 câu, có thể coi là lịch sử bằng văn vần hoặc sử thi ca ngợi thủy tổ nhà Chu vậy[41].

Sau Hậu Tắc ba đời thì đến ông Công Lưu. Công Lưu dẫn bộ tộc Chu từ đất Thai (nay là huyện Vũ Công, địa cấp thị Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây) dời đến đất Mân (nay thuộc huyện Tuần Ấp, địa cấp thị Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây), khai đất hoang, làm nhà và định cư ở đấy. Chuyện này được kể trong bài Công Lưu (Đại Nhã), qua đó hết lời ca ngợi tính trung hậu và tư chất lãnh đạo của Công Lưu. Bài Miên (Đại nhã) lại nói về cuộc thiên cư lần thứ hai của bộ tộc Chu từ đất Mân đến đất Kỳ (nay thuộc huyện Kỳ Sơn, địa cấp thị Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây) dưới sự dẫn dắt của Cổ Công Đản Phủ; lần lượt kể từ khi nhà Chu ở lưu vực sông Thư, sông Thất, chưa có nhà phải ở hang; đến thời Cổ Công Đản Phủ dời đến Kỳ đã biết bói rùa, xây dựng nhà cửa, đặt một số quan chức, lập miếu xã, tổ chức quân đội đánh bại kẻ thù; đến thời Chu Văn Vương thì các nước khác đã phải nể sợ nước Chu[42]. Bài Hoàng hĩ (Đại nhã) kể chuyện Cổ Công Đản Phủ, Ngô Thái Bá, Quý Lịch đến Chu Văn Vương đánh Mật, đánh Sùng. Bài Đại minh (Đại nhã) là một bản ghi chép lịch sử từ khi Chu Văn Vương ra đời đến Chu Vũ Vương đánh Trụ. Cuộc đông chinh dập tắt cuộc nổi loạn Vũ Canh của Chu Công Đán là chủ đề cho hai bài thơ Phá phủ và Đông sơn trong Mân phong. Một số bài khác như Thời mại, Hoàn, Vũ (Chu tụng)... cũng tham gia phản ánh lịch sử đầu Tây Chu.

Vào cuối thời Tây Chu, nền chính trị nhà Chu ngày càng hủ bại, nguy cơ xã hội bộc lộ rõ rệt, nhất là dưới hai triều vua Chu Di VươngChu Lệ Vương. Bài Tang nhu (Đại nhã) nói lên cảnh dân chúng chết chóc, nhà cửa tan nát trong cơn loạn lạc, người sống sót lưa thưa như tàn lửa sau vụ cháy. Bài Ức (Đại nhã) công kích triều đình hủ bại, trăm việc bê trễ, chỉ biết hưởng lạc, đó đều là những bài thơ quý tộc đời Lệ Vương oán trách nhà vua[43]. Bài Thập nguyệt chi giao (Tiểu nhã) kể tên bảy kẻ nịnh thần của Chu U Vương như bọn Hoàng Phụ, nói rằng bọn họ với Bao Tự cấu kết với nhau, quyền thế rất ghê gớm. Bài Đại đông phản ánh các cuộc chiến tranh chinh phục dưới đời Chu Tuyên Vương, Chu U Vương, quân nhà Chu đánh bại các chư hầu phía đông, cướp sạch của cải của họ, bắt dân họ làm nô lệ khiến họ oán giận mãi không thôi. Bài Thường vũ (Đại nhã) ca tụng chiến công chinh phạt Từ Di của Tuyên Vương, bài Lục nguyệt (Tiểu nhã) kể chuyện Doãn Cát Phủ giúp Tuyên Vương bắc phạt Hiểm Doãn, bài Thái dĩ tả Phương Thúc nam chinh Kinh Man, phần nhiều do sử quan làm, có tính chất sử ký và ca tụng công đức khá cao.

Sang thời Đông Chu, Chu Bình Vương dời đô về Lạc Ấp, nhà Chu suy yếu dần, các chư hầu lớn lấn át thiên tử, gây chiến tranh tiêu diệt lẫn nhau để giành đất đai, của cải trong suốt hai thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Thơ Quốc phong có nhiều bài phản ánh một số sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử của chư hầu, như bài Tải trì (Dung phong) nói về việc nước Vệ bị diệt vong, Vệ Đái công phải bỏ chạy đến ấp Tào, bài Vô y (Tần phong) nói về cuộc kháng chiến của nước Tần chống lại người Khương Nhung hoặc bài Thạc nhân (Vệ phong) tả nàng Trang Khương, vợ Vệ Trang công, bài Tái khu (Tề phong) kể về nàng Văn Khương, vợ Lỗ Hoàn công... Kinh Thi cũng còn có nhiều bài cho ta biết tâm sự của giới quý tộc đời Chu khi gặp cảnh nước nhà suy yếu "ngày nay nước thu hẹp hàng trăm dặm[lower-alpha 24]" (Đại nhã, Thiệu mân), "dân bị nạn binh đao, tai họa trùm lên sắp chết hết[lower-alpha 25]" (Đại nhã, Tang nhu); qua đó chỉ trích gay gắt chính trị đương thời; khuyên vua "đừng tin lời sàm tấu[lower-alpha 26]" (Tiểu nhã Tiểu mân) vì chúng chỉ là bọn gây loạn bốn phương (Tiểu nhã, Thanh nhăng); có bài mạnh dạn lên án nhà vua và triều đình hủ bại. Điều đó cho thấy, việc các học giả thời xưa, nhất là đời Hán, khi chú thích cho nội dung các bài trong Kinh Thi thường thiên về phản ánh sự thực lịch sử không phải là không có cơ sở.

Phản ánh tình yêu và hôn nhân

Thơ nói về tình yêu và hôn nhân chiếm một tỉ trọng rất lớn trong thơ Phong, là một nội dung quan trọng của Kinh Thi. Những bài thơ này phần nhiều có tình cảm thành thật, sôi nổi, chất phác, thẳng thắn; tuy là đề tài tình yêu nhưng nội dung rất ít khi lặp, phàm những nỗi vui sướng, buồn lo, tan hợp về tình yêu đều được thể hiện rõ[29].

Bài Quan thư (Chu Nam) mở đầu cho Quốc phong và cũng là bài mở đầu cho cả bộ Kinh Thi, chính đã mang nội dung về tình yêu. Đó là bản tình ca đơn phương của chàng trai với một cô gái, gợi hứng từ tiếng kêu hòa hợp của đôi chim thư cưu ngoài xa, lời lẽ mộc mạc tự nhiên, qua đó bộc lộ ước muốn muốn kết thành vợ thành chồng với cô. Thơ tình đơn phương còn có bài Hán quảng (Chu Nam), Đông môn chi thiện (Trịnh phong), Trạch bi (Trần phong), Thấp tang (Tiểu nhã)...tình cảm triền miên, chan chứa, cảm động[44]:

Yêu ai yêu tận đáy lòngVì sao e ngại mà không tỏ bày ?Yêu ai thầm kín ai hay,Tấm lòng thương nhớ biết ngày nào nguôi ?[44][45](Thấp tang, Tiểu nhã)

Nỗi nhớ nhung trong tình cảm lứa đôi được thể hiện qua một số bài Tử khâm (Trịnh phong), Thái cát (Vương phong), Nguyệt xuất (Trần phong)...Đặc biệt ở bài Thái cát, có câu cho đến bây giờ trở thành quen thuộc, được nhiều thế hệ truyền tụng "Một ngày không thấy/Như ba năm trọn[lower-alpha 27]"

Ngự bút bài thơ Quan thư (Chu Nam) của vua Thanh Càn Long và bức tranh minh họa

Chuyện nam nữ hẹn hò, thề thốt cũng được nhiều bài đề cập, ý thơ thường rất trong sáng, đuôi khi nhuốm tình điệu nguyên thủy[29], cho thấy tình yêu nam nữ thuộc tầng lớp dưới thời đó tương đối tự do[29]. Như bài Dã hữu tử huân (Thiệu Nam) kể chuyện "chàng trai tốt đẹp" vào rừng săn hươu nai và hái củi, gặp một người con gái mà chàng khen là "đẹp sao như ngọc" rồi yêu cô, ngơ ngẩn lơ lững đi theo cô, khiến cho chó trong nhà cô "cắn ran". Tình điệu chất phác thật thà, rất ăn khớp với cảnh núi rừng ngày xuân. Lại như bài Tĩnh nữ (Bội phong) kể chuyện cặp tình nhân hẹn hò ở góc thành, khi chàng trai đến thì người cô gái chưa đến, khiến anh ta chờ mãi không thấy, sốt ruột quá cứ vò đầu băn khoăn. Khi cô gái đến như hẹn ước và thân mật tặng một nhánh cỏ non thì anh ta mừng quá. Anh cảm thấy nhánh cỏ ấy "xinh đẹp lạ lùng" vì đó là của người đẹp tặng. Tình cảm nam nữ dạt dào, thắm thiết, trong sáng, thật là thú vị! Các bài Thác hề, Trăn Vĩ, Sơn hữu phù tô, Phong vũ, Dã hữu man thảo (Trịnh phong), Tang Trung (Vệ phong), Đông phương chi nhật (Tề phong)... đều nói về tình yêu nam nữ tự do; nhiều bài trong Trịnh phong, người con gái còn ở tư thế chủ động để tỏ bày tình cảm, khiến Khổng Tử phải chê nhạc nước Trịnh là "dâm loạn", Chu Hy cũng thường chỉ trích.

Nhưng bài Tương Trọng Tử trong Trịnh phong phàn nàn về sự gò bó tình yêu, ở đó cô gái dặn dò người yêu là Trọng Tử không nên đến nhà tìm, tuy cô rất yêu chàng, nhưng cũng sợ bố mẹ, anh em, người đời quở trách. Bài Đại xa (Vương phong) lại nói về đôi nam nữ sợ pháp luật và người có quyền thế ngăn cấm mà không dám đến với nhau. Bài Bách chu (Dung phong) cũng nói chuyện bà mẹ can thiệp vào hôn nhân của con gái, nhưng cô gái nhất quyết phản kháng lại, "dù chết cũng không đổi ý[lower-alpha 28]". Yêu mà bị ngăm cấm thì rất đau khổ, nên cuối cùng cô gái phải kêu khóc thương tâm rằng

Mẹ ơi mẹ thật như trờiSao mà chẳng lượng cho người thế ru[lower-alpha 29]

Ngoài nỗi đau khổ vì yêu đương bị ngăn trở, Kinh Thi còn tả nỗi đau khổ khi thất tình (như bài Giảo đồng trong Trịnh phong), nỗi đau khổ khi yêu mà không được yêu (như bài Trạch bi trong Trần phong), nỗi đau khổ chia lìa kẻ sống người chết (như bài Cát sinh trong Đường phong)[46]...

Thơ về hôn nhân trong Kinh Thi có những bài tả vợ chồng xứng đôi, gia đình vui vẻ hòa thuận như bài Đào yêu (Chu Nam), Thước sào, Hà bỉ nùng hĩ (Thiệu Nam), Quân tử dương dương (Vương phong), Nữ viết kê minh (Trịnh phong)...Nhưng phần nhiều thơ thể hiện nỗi đau khổ nhớ thương vì li biệt xa cách. Nguyên nhân chính làm cho vợ chồng hoặc đôi tình nhân phải xa cách thời ấy là phu phen và chiến tranh. "Xuân Thu không có chiến tranh chính nghĩa"[lower-alpha 30] (Mạnh Tử) nên chiến sự liên miên, trai tráng đều bị bắt đi lính, ngoài thì có những người đàn ông không vợ, trong thì có những người đàn bà chất chứa oán hờn, cho nên thơ Kinh Thi nói về việc phu phen khổ sở và mong nhớ người thân tương đối nhiều[47]

Ví dụ như bài Đệ Đỗ (Tiểu Nhã) với tả người chinh phu đi thú lâu ngày, hết hạn vẫn không được về quê vừa tả người vợ ở nhà nhớ chồng bấm đốt tay tính ngày tháng, tưởng tượng người chồng vẫn gần đâu đây, là một bài thơ tình rất hay được người ta truyền tụng. Bài Hà thảo bất hoàng (Tiểu nhã) tả binh sĩ oán trách phải đi khắp đó đây, không được nghỉ ngơi, lại oán trách vợ chồng xa cách, rồi hỏi phẫn nộ "Bọn binh sĩ chúng ta thật tội nghiệp, há không phải là người hay sao ?". Các bài Quyển nhĩ, Nhữ phần (Chu Nam), Ẩn kỳ lôi (Thiệu Nam), Kích cổ, Hùng trĩ (Bội phong), Bá hề (Vệ phong), Cát sinh (Đường phong), Quân tử vu dịch, Thố viên (Vương phong)... cũng có nội dung tương tự.

Lại có những bài tả cuộc hôn nhân bất hạnh, như bài Cốc phong trong Bội phong và Manh trong Vệ phong. Trong hai bài này, người phụ nữ đều bị chồng ruồng rẫy phụ bỏ, họ kể lại cảnh ngộ không may của mình, lên tiếng oán trách anh chồng bạc bẽo, quyến luyến tình xưa nghĩa cũ hoặc hối hận đau khổ, quyết liệt cự tuyệt. Các bài Lục y, Yến yến, Nhật nguyệt (Bội phong), Trung cốc hữu thôi (Vương phong), Tuân đại lộ (Trịnh phong)... đều thuộc chủ đề này. Hoặc là thơ chê trách việc cưới gả ép uổng, không hợp đôi hoặc lỡ thì, gây đau khổ cho người phụ nữ, như bài Tân đài (Bội phong), Phiếu hữu mai (Thiệu Nam). Đây là những bài người phụ nữ oán thán về số phận, sự bất bình đẳng giới tính trong tình yêu và hôn nhân, đồng thời có thể hiện tinh thần muốn được giải phóng, đòi tự do trong yêu đương[48]

Phản ánh đời sống dân chúng

Đời sống dân chúng được phản ánh bằng rất nhiều bài thơ trong Kinh Thi chủ yếu ở hai phần Quốc phong và Tiểu nhã, được giới Thi học chú ý nghiên cứu khoảng từ giữa thế kỉ 20[49]. Điều không khó thấy là các bài thơ đều nói về hiện tượng như người xưa từng tổng kết "Người đói hát về chuyện ăn, người lao động hát về công việc".

Thơ về lao động

Lao động ở đây chủ yếu là công việc nhà nông với những bài thơ có thể coi là tài liệu lịch sử quan trọng để nghiên cứu xã hội đời Chu[50]. Như bài Tải sam (Chu tụng) tả cảnh dân chúng lao động tập thể, đủ cả già trẻ trai gái cùng nhau làm cỏ, be bờ. Bài Lương trĩ (Chu tụng) tả cảnh được mùa, lúa chất "cao như vách tường, liền như răng lược". Bài Phù dĩ (Chu Nam) là bài ca các cô gái hát khi hái hạt phầu, lời ca đơn giản, tiết tấu nhẹ nhàng nhưng có thể khêu gợi trí tưởng tượng rất nhiều. Học giả Phương Ngọc Nhuận đời Thanh trong sách Thi kinh nguyên thủy, bình rằng, đọc bài này "như nghe rõ từng tốp phụ nữ nông thôn, nơi ba người, nơi năm người, hát đối đáp nhau, giữa cảnh gió lộng nắng ấm; tiếng hát véo von, như gần như xa, khi đứt khi đứt". Bài Thập mẫu chi gian (Ngụy phong) cũng nói lên niềm vui nhẹ nhàng của các cô gái sau khi hái dâu gọi nhau trở về, vừa đi vừa hát. Đặc biệt là bài Thất nguyệt trong Mân phong, được Văn Nhất Đa coi là "một bài Hạ tiểu chính hoặc Nguyệt lệnh bằng văn vần". Quả vậy, bài thơ miêu tả tương đối toàn diện[51] cuộc sống của người nông dân trong một năm, giống như bài ca dao về lịch nhà nông. Có thể bài này truyền lại từ một thời xa xôi lắm, và trong khi lưu truyền, được thêm thắt vào mãi[52]. Hình tượng lao động cũng trở thành đối tượng để khởi hứng hoặc làm tỉ dụ trong nhiều bài thơ khác của Kinh Thi[29].

Thơ oán thán

Kinh Thi có nhiều bài thơ thể hiện sự oán thán, bất bình của dân chúng với tầng lớp trên và những bất công trong xã hội. Bài Chính nguyệt (Tiểu nhã) nói về bọn "tiểu nhân" có tiền sống hoa xa còn dân chúng trong cơn tai biến thì lâm vào cảnh ngộ bi thảm. Bài Bắc sơn (Tiểu nhã) so sánh cuộc sống thư thả, nhàn hạ của tầng lớp quý tộc với sự vất vả, đầu tắt mặt tối của người dân, bày tỏ sự bất mãn cá nhân, cũng nói lên được sự bất bình chung của nhiều người. Bài Hồng nhạn (Tiểu nhã) thì nói về nạn phu dịch nặng nề, đến người quan quả khố rách áo ôm cũng bị bắt làm việc cặm cụi ngoài đồng, bàn tay họ xây nên hàng trăm bức tường thành cao nhưng bản thân thì không có chỗ nương thân

Đắng cay nếm đã đủ phần

Mà đâu đã thấy yên thân chốn nào[45] ?

Sự oán thán của dân chúng trong thơ Quốc phong còn sâu sắc và gay gắt hơn so với thơ Nhã[53]. Tiêu biểu như bài Phạt đàn (Ngụy phong) nói người đẵn gỗ suốt ngày bên sông nhưng không có một tí gì, còn kẻ "quân tử" không cày cấy, không săn bắn mà vẫn thóc lúa đầy kho, thú treo đầy nhà, cuối cùng mỉa mai họ là kẻ "ngồi không ăn dầy". Bài Thạc thử ví tầng lớp trên như loài chuột sù đục khoét, đồng thời bộc lộ khát vọng thoát khỏi quyền lực của những kẻ ăn trên ngồi trốc, sống tự do thanh bình

Ta thề bỏ màyĐến nơi đất lànhĐất lành đất lànhChỗ ta đã giành[54]

Bài Bắc phong (Bội phong) phản ánh tình trạng dân chúng chịu nền chính trị bạo ngược, hà khắc, rủ nhau bỏ trốn. Bài thơ ví quạ đen và hồ ly với người cầm quyền và sự thống trị tàn khốc, cả bài là không khí buồn thảm, căng thẳng. Bài Mộ môn đả kích kẻ chấp chính bất lương, lại mượn hình ảnh rìu phạt gai góc trước cửa mộ để nói nguyện vọng muốn trừ bỏ kẻ đó. Các bài Thuần chi bôn bôn, Tướng thử (Dung phong)... đều có ý tương tự.

Trong Quốc phong có rất nhiều bài thơ oán trách việc phu phen và chiến tranh nặng nề gây nên thảm cảnh cho dân chúng. Bài Bảo vũ (Đường phong) tố cáo đau xót tình cảnh người dân phải đi phu đi lính, bỏ cả cày bừa, cha mẹ không nuôi, cũng không biết đến bao giờ mới được sống yên ổn, phải kêu trời kêu đất than ngắn thở dài. Bài Trắc hộ (Ngụy phong) là lời đứa con có hiếu, phải đi quân dịch, ở xa nhớ cha mẹ, tưởng tượng mẹ cha ngóng trông mình trở về, ý oán thán cũng ngầm trong đó. Mấy bài thơ tả tâm tình người vợ nhớ chồng đi lính bên cạnh sự nhớ thương cũng mang giọng điệu oán thán. Các bài Cát lũy, Dương chi thủy (Vương phong)... đều có ý như vậy.

Phản ánh đời sống quý tộc và văn hóa lễ nhạc đời Chu

Thơ phản ánh văn hóa lễ nhạc đời Chu chủ yếu do tầng lớp quý tộc làm ra, chiếm đa số trong Tụng và một phần Nhã. Đây hoặc là thơ dùng trong tế lễ tông miếu hoặc là thơ yến ẩm, biểu thị sâu sắc và dào dạt tinh thần lễ nhạc của con người thời Chu[55], cũng như phương diện văn hóa của xã hội đương thời[38]. Như bài Thanh miếu (Chu tụng) cho ta hình dung về ngôi miếu thờ tổ tiên nhà Chu, bài Phán thủy (Lỗ tụng) giúp hình dung về nhà học lớn và việc giáo dục đương thời. Bài Na (Thương tụng) lại miêu tả về một buổi đại lễ lớn. Thấp thoáng sau mỗi bài thơ là nhiều phong tục tập quán, sinh hoạt xã hội đời Chu như săn bắn, xây dựng nhà cửa, yến ẩm, lễ hội...của mọi tầng lớp trong xã hội.